Thần Lương Hằng Ngày

PVLC Tuần Thứ Hai Mùa Chay Năm B

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Mùa Chay nào cũng thế, 2 Chúa Nhật đầu tiên đã nói lên cốt lõi của Mùa Chay là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô,

một Chúa Kitô Vượt Qua từ khổ nạn và tử giá đến phục sinh và thăng thiên.

Nếu ở Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay, PVLC cử hành tưởng niệm Sự Kiện Chúa Kitô chay tịnh và bị cám dỗ trong hoang địa, 

thì ở Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay, PVLC cử hành tưởng niệm Sự Kiện Chúa Kitô Biến Hình trên núi cao (Tabor).

Nếu chủ đề chính yếu cho chung Mùa Chay bao gồm cả tột đỉnh của Mùa Chay là Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua,

đó là "Tôi tự ý bỏ sự sống của mình đi để rồi lấy nó lại" (Gioan 10:17) thì chủ đề này hoàn toàn được phản ảnh nơi 2 Sự Kiện Chay Tịnh và Biến Hình của 2 CN đầu Mùa Chay.

Để cùng với Mẹ Giáo Hội cử hành mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô sau PVLC của Chúa Nhật Tuần 1 Mùa Chay theo chiều hướng "Miền Đất Hứa Hoang Địa",

chúng ta tiếp tục với PVLC Tuần II Mùa Chay theo chiều hướng "Từ Biến Hình đến Biến Dạng" ở những đường kết nối livestream trực tuyến sau đây:

bé tĩnh

--------------------------------------------------

Tuần II Mùa Chay

(Xin bấm vào Tuần II Mùa Chay trên đây để đọc PVLC kém theo bài chia sẻ và hạnh thánh trong tuần)

Chúa Nhật - Từ biến hình đến biến dạng: https://youtube.com/live/VC1Aj0e8I_4

MC.CNII-A.mp3 / https://youtu.be/PEC3MQstW2s

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTin.CNIIMC-B.mp3 / 

https://youtu.be/sqfQYCkhhKU

MC.Tuan.II-2.mp3

MC.TuanII-7.mp3



Suy Nghiệm Lời Chúa

Hy tế Người Con biến hình

Hôm nay, Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm B, điểm qui tụ của cả 3 bài đọc trong phụng vụ lời Chúa đều tập trung vào hy tế của Người Con Duy Nhất. Thật vậy, cho dù bài Phúc Âm được Thánh ký Marco (9:1-9) thuật lại biến cố biến hình trên “núi cao” của Chúa Giêsu, một biến cố hoàn toàn ngược lại với biến cố Người chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang địa trong bài Phúc Âm tuần 1 Mùa Chay vừa rồi, nhưng theo chiều hướng của bài đọc 1 (Khởi Nguyên 22:1-2,9a,10-13,15-18) và bài đọc 2 (Roma 8:31b-34) thì cốt lõi của cả 3 bài đọc đều qui về hy tế của Người Con Duy Nhất này.

Đúng thế, trong bài Phúc Âm là bài đọc chính yếu, dù ở phần đầu là một Chúa Kitô “biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết”, và ở phần giữa Người được Cha trên trời chứng nhận và tuyên dương: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”, thế nhưng, ở câu kết thúc của bài Phúc Âm, Người Con đẹp lòng Cha và biến hình rực rỡ rạng ngời này lại là “Con Người từ cõi chết sống lại”, tức là phải chịu khổ nạn và tử giá, mới vượt qua từ cõi chết mà vào sự sống, nhờ đó mới “cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Gioan 10:10).

Giáo Hội cố ý chọn đọc hai bài Phúc Âm cho Chúa Nhật I Mùa Chay và Chúa Nhật II Mùa Chay tương phản nhau, chay tịnh và biến hình, hai biến cố tiêu biểu là để báo trước cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng sẽ phải vượt qua từ khổ giá (được biểu hiện nơi sự kiện chay tịnh) tới phục sinh (được biểu hiện nơi sự kiện biến hình). Cả hai biến cố chay tịnh và biến hình đều liên quan trực tiếp đến thân xác của Người. Phúc Âm Thánh ký Marco cho Chúa Nhật II Năm B hôm nay chỉ nói đến "Áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết”, chứ không hề nói đến trước đó "mặt Người" cũng được biến đổi, như ở Phúc Âm Thánh Mathêu (17:2) và Luca (9:29). Nếu "mặt Người" biểu hiệu cho linh hồn của Người thì "áo Người" biểu hiệu cho thân xác của Người.

Thế nhưng, ngay trong biến cố biến hình đi nữa, cả 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều có cùng một chi tiết giống nhau đó là có sự hiện diện của "Moisen và Elia". Chúng ta không biết tại sao tông đồ Phêrô chỉ là một hậu sinh trong giòng Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, chưa hề sống ở thời Moisen và Elia, chưa biết mặt mũi hai vị tiền bối nổi tiếng này như thế nào, mà bấy giờ lại nhận ra hai vị và "lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia'". Phải chăng tông đồ Phêrô nói theo tác động Thần Linh, vì ngay sau đó Thánh Ký Marco ghi nhận thêm chi tiết: "Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ", nghĩa là theo tự nhiên tông đồ Phêrô hoàn toàn không biết, nếu không được soi động.

Tại sao lại có sự kiện "Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu" ở sự kiện biến hình của Chúa Kitô, và các vị đã "đàm đạo với Chúa Giêsu" những gì, nếu không phải về cuộc Vượt Qua của Người, như chính Người sau này, sau khi sống lại từ trong kẻ chết đã chứng minh Người Vượt Qua bằng chính chứng từ Thánh Kinh Cựu Ước liên quan đến hai vị này như sau: "Hết mọi sự viết về Thày trong luật Moisen và các tiên tri cùng thánh vịnh đều đã được nên trọn" (Luca 24:44; xem cả 24:27). Như thế, biến cố biến hình của Chúa Kitô cũng bao gồm cả cuộc khổ giá của Người, một cuộc khổ giá đã được Người dọn mình và báo trước bằng sự kiện chay tịnh của Người.

Biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô chẳng những được tiên báo trong Luật Moisen và các tiên tri mà còn ngay nơi sự kiện được Sáng Thế Ký thuật lại ở Bài Đọc 1 hôm nay, sự kiện tổ phụ Abraham sẵn sàng tuân theo ý định vô cùng oái oăm nghiệt ngã của một Thiên Chúa hứa ban cho vị tổ phụ này người con theo lời hứa, một người con là mầm mống của một dân tộc đông như sao trời như cát biển (xem Khởi Nguyên 15:1-6), mà lại bắt vị tổ phụ ấy giết chết người con ấy đi “dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Người con duy nhất của lời hứa này của tổ phụ Abraham là Isaac không phải là hình ảnh của một “Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý” (Gioan 1:14) hay sao? Và hy tế Isaac xẩy ra “trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” đây không ám chỉ đến “núi sọ” Canvê của Con Thiên Chúa sau này hay sao? Nếu Abraham chỉ có một người con duy nhất theo lời hứa là Isaac cần phải được sát tế đi theo ý muốn của Thiên Chúa thì Chúa Giêsu Kitô cũng là Người Con duy nhất của Ngài là Cha trên trời, Đấng “đã không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó nộp Con vì tất cả chúng ta” (Roma 8:32 – bài đọc 2).

Thế nhưng, Thiên Chúa là Cha trên trời không hy sinh Con Một của Ngài một cách vô ích, mà là để cứu chuộc loài tạo vật đã được Ngài ngay từ ban đầu dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), nhờ đó Ngài hoàn tất lời hứa với tổ phụ Abraham, trong bài đọc 1, về một giòng dõi “đông như sao trời như cát biển… mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi”, một miêu duệ được Ngài tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ mà tột đỉnh mạc khải thần linh của Ngài là “vào thời điểm viên trọn / thời điểm ấn định Thiên Chúa đã sai Con của Ngài hạ sinh bởi một người nữ sinh ra theo lề luật để giải cứu những ai lệ thuộc lề luật, hầu chúng ta có được thân phận trở thành những dưỡng tử của Ngài” (Galata 4:4).

Phần Isaac, cho dù có thấy cha mình là "Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình", nhưng vẫn không chống cự và vùng vẫy cho khỏi bàn tay sát tế của cha mình, Chúa Kitô cũng vậy, cho dù biết trước số phận vô cùng đau thương khốn nạn của mình, Người vẫn âm thầm chấp nhận, nên "trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại". Bài Đáp Ca hôm nay đã phần nào nói lên tâm nguyện của Isaac và của Chúa Kitô trong thân phận hy tế của một Người Con Duy Nhất cho phần rỗi muôn dân:

1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: "Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!" Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi!